Thông tin chung

  English

  Đề tài NC khoa học
  Bài báo, báo cáo khoa học
  Hướng dẫn Sau đại học
  Sách và giáo trình
  Các học phần và môn giảng dạy
  Giải thưởng khoa học, Phát minh, sáng chế
  Khen thưởng
  Thông tin khác

  Tài liệu tham khảo

  Hiệu chỉnh

 
Số người truy cập: 106,055,556

 Nghiên cứu sản xuất chế phẩm vi sinh có hoạt tính xử lý sulfate từ chủng vi khuẩn Desulfovibrio sp. được phân lập từ phân trâu, bò
Chủ nhiệm:  TS. Phạm Thị Mỹ; Thành viên:  TS. Bùi Xuân Đông, ThS, Nguyễn Thị Lan Phương
Số: Đ2015-03-75 ; Năm hoàn thành: 2016; Đề tài cấp ĐHĐN; Lĩnh vực: Khoa học công nghệ

Nước là một nguồn tài nguyên vô cùng quý giá đối với con người. Con người và các loài sinh vật đều cần nước để tồn tại. Trên trái đất, ¾ lãnh thổ là nước, nước trong các đại dương, ở biển, sông ngòi, ao hồ, nước ngầm ở trong lòng đất, tuy nhiên nguồn nước sạch không phải luôn luôn dồi dào như chúng ta vẫn nghĩ.


Tốc độ công nghiệp hoá và đô thị hoá nhanh cùng với sự gia tăng mạnh mẽ dân số, bên cạnh đó nhận thức của con người về vấn đề môi trường còn chưa cao…đã làm cho nguồn nước mặt đang ngày càng bị ô nhiễm một cách trầm trọng. Trong khi đó khí hậu đang biến đổi thất thường, nắng nhiều, sự bốc hơi nước cũng tăng lên theo là nguyên nhân của việc thiếu nước trầm trọng. Ở các khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, lượng nước mặt rất khan hiếm, người dân chủ yếu sử dụng nguồn nước ngầm để sinh hoạt và sản xuất. Một thực trạng đang diễn ra tại một số huyện của khu vực Đà Nẵng - Quảng Nam đó là nguồn nước ngầm bị nhiễm phèn sắt nặng, gây ra những tác động xấu đến sinh hoạt, sản xuất của con người cũng như các vấn đề môi trường liên quan. 


Chỉ cách trung tâm thành phố Đà Nẵng chưa đầy 20km nhưng nhiều năm nay, hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện Hòa Vang phải sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm. Xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang có gần 3.400 hộ, trong đó hơn 98% bà con sử dụng nước ngầm bị nhiễm phèn sắt để phục vụ nhu cầu sinh hoạt. Chỉ tính riêng thôn Phú Hòa 1 có đến gần 400 hộ dân vẫn đang sử dụng nước giếng phèn chưa qua xử lý để sinh hoạt và sản xuất. Còn đối với Hòa Khương, xã giáp ranh với xã Đại Hiệp, tỉnh Quảng Nam lại càng khó khăn hơn. Nhiều năm nay, thôn Phước Sơn, một trong những thôn xa nhất của xã Hòa Khương, luôn trong tình trạng thiếu nước sạch. Hầu hết nước giếng khoan và giếng đóng của bà con nhiễm phèn nặng, một số giếng gần suối khoáng nóng Phước Nhơn còn hơi lợ, bốc mùi phèn rất khó chịu. Qua kiểm tra mẫu nước do Sở Khoa học Công nghệ thành phố tiến hành, nước giếng của thôn Phước Sơn nhiễm phèn sắt nặng, vượt 18 lần tiêu chuẩn cho phép. Để có nước sạch, gia đình có điều kiện kinh tế khá hơn thì mua nước bình để dùng, còn hầu hết phải dùng bể lọc lắng phèn, song cũng chỉ hạn chế một phần nào đó chứ không xử lí được triệt để chất phèn và các tạp chất khác.


Cùng nỗi khổ thiếu nước sạch, nhiều năm qua, hàng trăm hộ dân thuộc xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, Quảng Nam mỏi mòn chờ nước sạch. Nguồn nước ngầm bị nhiễm phèn trầm trọng. Để có nguồn nước sinh hoạt, nhiều người dân thôn Hòa Hữu Tây, Hòa Hữu Đông (xã Đại Hồng) phải vay mượn hàng chục triệu đồng để khoan giếng, nhưng khi khoan xong đành phải bỏ vì nguồn nước bị nhiễm phèn, không sử dụng được. Hay tại xã Đại Minh - Đại Lộc, đặc biệt là thôn Tây Gia, tình hình đã trở nên báo động. Toàn thôn có 420 hộ dân thì 1/3 trong số đó thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nước sinh hoạt lẫn nước uống bởi nguồn nước mặt và nước ngầm tại khu vực này bị suy kiệt và ô nhiễm. Hơn 100 hộ dân đội 13 của thôn Tây Gia gần như điêu đứng khi toàn bộ giếng đào, giếng đóng đều bị nhiễm phèn và có mùi tanh hôi, không thể dùng để sinh hoạt. Gần đây, đội 13 có tới 5 trường hợp bị bệnh ung thư khiến người dân rất hoang mang. 


Các phương pháp chủ yếu được ứng dụng để xử lý nước thải nói chung và nước nhiễm phèn sắt nói riêng là các phương pháp hóa – lý như khử bằng vôi, dùng tro bếp hay xử lý bằng các chất oxy hóa mạnh (Cl2, KMnO4, O3) đi kèm với dùng hệ thống lọc nước...tuy nhiên các phương pháp này khá tốn kém và không an toàn, thường gây ra những vấn đề ô nhiễm thứ cấp. Trong những năm gần đây, phương pháp xử lý bằng các các chế phẩm vi sinh vật thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học và đạt được những thành công nhất định bởi ưu điểm sản xuất chế phẩm đơn giản mà lại cho hiệu quả sử dụng cao.


Một trong những chủng vi khuẩn được nhiều nhà khoa học quan tâm nghiên cứu ứng dụng trong công nghệ xử lý nước nhiễm phèn sắt là chủng vi khuẩn khử sulfate Desulfovibrio sp., là vi khuẩn Gram âm, kỵ khí, không hình thành bào tử, tế bào là đơn vibrios vi có kích thước 0,5-0,7 μm x 1,5-3 μm, vi khuẩn có hình dấu phẩy, duy chuyển nhờ roi, có thể tìm thấy trong bùn đáy ao, trầm tích biển, trong các giếng khoan khai thác dầu khí, mỏ nước ngầm, trong ruột động vật, trong phân...Phương pháp này dựa trên khả năng khử ion sulfate (SO42-) đồng thời oxi hóa các hợp chất hữu cơ (lactate, acetate, ethanol, methanol) tạo ion sulfide (H2S, HS-, S2-) của vi khuẩn Desulfovibrio sp. Ion sulfide kết hợp với ion sắt hòa tan trong nước tạo kết tủa dưới dạng sulfide bền vững. Phản ứng loại bỏ sắt của vi khuẩn Desulfovibrio sp. sử dụng lactate được mô tả như sau:


2CH3CHOHCOOH + 3 SO42- → 3H2S + 6 HCO3-


Fe2+ + H2S → FeS↓ + 2H+


Ưu điểm của phương pháp này là giá thành xử lý phù hợp, không tạo hóa chất tồn dư gây ô nhiễm thứ cấp, lượng cặn tạo ra từ kết tủa sulfide không đáng kể. Đây chính là tiền đề khoa học, là cơ sở để nghiên cứu thành công đề tài “Nghiên cứu sản xuất chế phẩm vi sinh có hoạt tính xử lý sulfate từ chủng vi khuẩn Desulfovibrio sp. được phân lập từ phân trâu, bò”.

Chế phẩm vi sinh dạng khô chứa vi khuẩn Desulfovibrio sp. có hoạt tính xử lý nước bị nhiễm phèn sắt


© Đại học Đà Nẵng
 
 
Địa chỉ: 41 Lê Duẩn Thành phố Đà Nẵng
Điện thoại: (84) 0236 3822 041 ; Email: dhdn@ac.udn.vn