Thông tin chung

  English

  Đề tài NC khoa học
  Bài báo, báo cáo khoa học
  Hướng dẫn Sau đại học
  Sách và giáo trình
  Các học phần và môn giảng dạy
  Giải thưởng khoa học, Phát minh, sáng chế
  Khen thưởng
  Thông tin khác

  Tài liệu tham khảo

  Hiệu chỉnh

 
Số người truy cập: 107,086,277

 Phân tích những lỗi sai trong việc sử dụng quán ngữ tiếng Trung của sinh viên trình độ trung cao cấp khoa tiếng Trung Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng
Chủ nhiệm:  Trần Nguyễn Ngọc Hương; Thành viên:  Nguyễn Thị Như Ngọc
Số: T2018-05-07 ; Năm hoàn thành: 2019; Đề tài cấp cơ sở; Lĩnh vực: Ngôn ngữ

MỞ ĐẦU

 

I- Tổng quan tình hình nghiên cứu

1. Ngoài nước:

Quán ngữ được xem là một phần quan trọng trong tiếng Trung, quán ngữ có từ ngữ đơn giản dễ dùng, kết cấu lại linh hoạt, mang đậm nét của văn nói. Hơn nữa khả năng diễn đạt của quán ngữ khá phong phú, đa dạng nên được sử dụng khá rộng rãi trong cuộc sống hàng ngày. Quán ngữ tiếng Trung xuất hiện từ rất sớm nhưng đến những năm 50 của thế kỷ XX mới dần dần được các học giả tiến hành nghiên cứu.

Lu Shuxiang, Zhu Dexi (1951) trong bài nghiên cứu “Cách nói tu từ trong ngữ pháp” đã nhắc đến khái niệm “tập quán ngữ”, tuy nhiên, khái niệm “tập quán ngữ” không phải là “quán ngữ” mà mọi người hay nói đến. Zhou Zumo (1958) cũng nhắc đến khái niệm “tập quán ngữ” trong nghiên cứu của mình. Ông đưa ra các cụm từ như “碰钉子”, “拉后腿”, “露马脚”, “吃不消”..., và đem chúng so sánh với thành ngữ.

Những năm 50, 60 của thế kỷ XX, các nghiên cứu chỉ mới dừng lại ở việc xác lập danh xưng của quán ngữ, đối với tính chất, đặc điểm vẫn chưa được các học giả đi sâu nghiên cứu vì vậy giai đoạn này chỉ có thể xem là giai đoạn sơ khai của nghiên cứu về quán ngữ.

Từ những năm 50 của thế kỷ 20, các học giả đã bắt đầu chú ý nghiên cứu về quán ngữ nhưng chỉ mới là những nghiên cứu liên quan đến bản chất của quán ngữ mà bỏ qua vấn đề quán ngữ đối với việc dạy và học, đặc biệt là dạy cho người nước ngoài. Có thể nói rằng, thế kỷ 20 trở về sau mới chính là giai đoạn sơ khai của nghiên cứu về lĩnh vực dạy và học quán ngữ tiếng Trung cho người nước ngoài.

Nói tóm lại, những nghiên cứu của giới học thuật về quán ngữ cho dù là những nghiên cứu liên quan đến bản chất hay là những nghiên cứu liên quan đến việc dạy học quán ngữ tiếng Trung cho người nước ngoài, thì đây đều là những nghiên cứu cần được đi sâu hơn nữa. Có thể thấy rằng, quán ngữ trong vấn đề dạy tiếng Trung cho người nước ngoài cũng đã nhận được sự quan tâm nhất định, nhưng sự quan tâm này vẫn chưa đủ. Vì vậy, theo sự phát triển của những nghiên cứu về vấn đề dạy học tiếng Trung cho người nước ngoài trong xã hội tương lại, thì những nghiên cứu về vấn đề dạy học quán ngữ tiếng Trung cần được đi sâu nghiên cứu hơn nữa.

2. Trong nước:

Những nghiên cứu về khái niệm quán ngữ tương đối đầy đủ, cụ thể. Dựa vào các nghiên cứu về quán ngữ có thể tiến thêm một bước đi sâu vào nghiên cứu chức năng của quán ngữ, cụ thể là chức năng nói vòng vo, nói rào trước đón sau.

II- Tính cấp thiết của đề tài

Trong tiếng Trung, quán ngữ được xem như là một phần quan trọng. Theo đà phát triển của xã hội, cùng như sự phát triển của nền kinh tế thế giới, tiếng Trung trở thành phương tiện giao tiếp không thể thiếu, do đó tiếng Trung trơ thành ngôn ngữ ngày càng thu hút nhiều người theo học. Trong quá trình giảng dạy tại khoa tiếng Trung trường đại học ngoại ngữ Đà Nẵng, tôi đã thấy được rằng sinh viên khi nói rất hạn chế sử dụng quán ngữ tiếng Trung, thậm chí còn tránh né không dùng, và nếu có dùng cũng sẽ mắc lỗi sai. Từ đó, tôi bắt đầu nghiên cứu và đưa ra được những phân tích lỗi sai của sinh viên trong việc sử dụng quán ngữ tiếng Trung, đồng thời tìm ra nguyên nhân và đưa ra những biện pháp nhằm giúp người học sử dụng chuẩn xác hơn, linh hoạt hơn. Thông qua đó người dạy cũng sẽ linh hoạt hơn trong việc giảng dạy quán ngữ tiếng Trung.

III- Mục tiêu đề tài

Mục tiêu của đề tài chủ yếu phân tích những lỗi sai của sinh viên trong việc sử dụng quán ngữ tiếng Trung. Từ đó tìm ra nguyên nhân và giải pháp khắc phục những khó khăn về ngôn ngữ của sinh viên. Đồng thời cũng giúp cho người dạy thấy được những khó khăn của sinh viên trong việc học quán ngữ tiếng Trung, từ đó rút ra những kinh nghiệm trong giảng dạy.

IV- Cách tiếp cận đề tài

Đề tài chủ yếu thông qua việc thu thập, tổng hợp phiếu điều tra, phân tích kĩ những lỗi sai của sinh viên sử dụng tiếng Việt làm tiếng mẹ đẻ trong việc sử dụng quán ngữ tiếng Trung. Từ đó, phân loại lỗi sai, tìm ra nguyên nhân dẫn đến các lỗi sai đó, đồng thời đưa ra các sách lược và kiến nghị.

V- Phương pháp nghiên cứu đề tài

Đề tài chủ yếu sử dụng các phương pháp sau: Phương pháp thu thập tài liệu; phương pháp đối chiếu; phương pháp điều tra; phương pháp tổng hợp phân tích.

VI- Đối tượng và phạm vi nghiên cứu đề tài

1. Đối tượng nghiên cứu đề tài

Đề tài chủ yếu nghiên cứu những lỗi sai của sinh viên Việt Nam trong việc sử dụng quán ngữ tiếng Trung và từ đó tìm ra nguyên nhân, đồng thời đưa ra biện pháp trong việc dạy và học.

2. Phạm vi nghiên cứu đề tài

Đề tài chủ yếu tập trung nghiên cứu vào các quán ngữ (tổng cộng 127 quán ngữ) trong bốn bộ giáo trình “发展汉语”, cụ thể “发展汉语:中级汉语(上、下)” (Xu Guimei, Mou Yunfeng 2005, Wu Huihua 2005), “发展汉语:高级汉语(上、下)” (Cen Yuzhen 2005, Yang Cuntian 2005), “发展汉语:中级汉语口语(上、下)” (Lu Zhiying 2006, Wang Gaigai 2006), “发展汉语:高级汉语口语(上、下)” (Wang Shuhong 2005, Li Luxing 2006).

 

CHƯƠNG I   VIỆC SỬ DỤNG QUÁN NGỮ TIẾNG TRUNG CỦA SINH VIÊN TRÌNH ĐỘ TRUNG CAO CẤP KHOA TIẾNG TRUNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC NGOẠI NGỮ - ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG

 

I- Định nghĩa quán ngữ

Từ một số định nghĩa của các học giả đã nêu trên, có thể đưa ra một khái niệm hoàn chỉnh nhất của quán ngữ: “Quán ngữ là cụm từ đôi khi có tính cố định, đôi khi lại có tính linh hoạt, nghĩa của quán ngữ không hoàn toàn phụ thuộc vào nghĩa của từ, mà nó thông qua các phương pháp tu từ như ẩn dụ, hoán dụ... để diễn đạt tầng lớp ý nghĩa sâu xa hơn, cụm từ này được mọi người sử dụng phổ biến, rộng rãi trong cuộc sống hàng ngày.”  

II- Xây dựng phiếu điều tra

Phiếu điều tra tổng cộng có bốn phần, gồm:

Phần thứ nhất: Chọn đáp án giải thích chính xác quán ngữ trong câu, phần này có 20 quán ngữ, chủ yếu sử dụng các quán ngữ trong các bộ giáo trình đã giới thiệu ở trên. Mỗi quán ngữ sẽ đưa ra ba lựa chọn, yêu cầu sinh viên chọn những giải thích chính xác cho 20 quán ngữ đó.

Phần thứ hai: Chọn quán ngữ thích hợp điền vào chỗ trống. Trong phần này có 10 câu, yêu cầu sinh viên, căn cứ vào các ngữ cảnh đã cho, chọn quán ngữ điền vào chỗ trống.

Phần thứ ba: Chọn trình độ nắm bắt quán ngữ đã cho. Phần này có tổng cộng là 10 quán ngữ, mỗi quán ngữ sẽ có ba sự lựa chọn: A. Không rõ nghĩa của quán ngữ; B. Biết nghĩa của quán ngữ nhưng không biết cách dùng; C. Biết nghĩa và cách dùng của quán ngữ, từ đó có thể giúp cho sinh viên tự đánh giá trình độ nắm bắt quán ngữ của mình

Phần thứ tư: Trả lời câu hỏi, phần này có 5 câu hỏi, những câu hỏi này có liên quan đến phương pháp và thái độ học quán ngữ của sinh viên, chủ yếu có các câu hỏi sau:

1. Bạn có thích quán ngữ không?

2. Bạn thấy các bài tập ở trên có khó không?

3. Bạn có thường dùng quán ngữ trong giao tiếp hàng ngày không?

4. Bạn cho rằng cách để nhớ quán ngữ nhanh nhất là gì?

5. Bạn cho rằng có cần thiết khi học các quán ngữ này không?

III- Xử lý và phân tích phiều điều tra

Trong quá trình điều tra, tổng cộng đã phát ra 100 phiếu điều tra, thu về 100 phiếu (tỉ lệ thu về 100%), trong đó sinh viên năm ba 50 phiếu, sinh viên năm tư 50 phiếu. Thông qua tổng hợp phân tích, kết quả như sau:

Từ các số liệu thống kê được có thể thấy rằng sinh viên trình độ trung cao cấp khoa tiếng Trung trưởng Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng trong quá trình sử dụng quán ngữ đã xuất hiện rất nhiều lỗi sai về mặt ngữ nghĩa, ngữ pháp cũng như sai cả về mặt ngữ dụng. Bên cạnh đó các em tuy rất thích quán ngữ nhưng lại có phương pháp học quán ngữ chưa khoa học, chưa có hiệu quả. Từ việc hay dùng sai quán ngữ nên các em tránh né sử dụng quán ngữ và tự cho rằng việc học quán ngữ là không cần thiết.

 

CHƯƠNG II   PHÂN TÍCH NHỮNG LỖI SAI TRONG VIỆC SỬ DỤNG QUÁN NGỮ TIẾNG TRUNG CỦA SINH VIÊN TRÌNH ĐỘ TRUNG, CAO CẤP KHOA TIẾNG TRUNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC NGOẠI NGỮ - ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG

I- Những lỗi sai về mặt ngữ nghĩa

1. Nghĩa của từ đã bị hiểu thành nghĩa của quán ngữ

Bên cạnh không hiểu được sắc thái tình cảm của quán ngữ, sinh viên còn nhầm lẫn nghĩa của từ thành nghĩa của cả quán ngữ. Trên thực tế nghĩa của quán ngữ không phải sự kết hợp giản đơn nghĩa giữa các từ. Wen Duanzheng cho rằng, nghĩa về mặt chữ của quán ngữ chỉ đơn giản là nghĩa ngữ nguyên, nghĩa về mặt chữ không có tác dụng, chỉ có nghĩa trừu tượng mới chính là nghĩa thực của quán ngữ. Chỉ có thông qua phương pháp tu từ nhu ẩn dụ, hoán dụ... mới có thể diễn đạt nghĩa thực tế của quán ngữ. Hơn nữa, nghĩa thực tế và nghĩa về mặt chữ lại hoàn toàn khác xa nhau, hoàn toàn không giống nhau. Sinh viên Việt Nam nói chung và sinh viên khoa tiếng Trung trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng nói riêng gần như không có bối cảnh văn hóa Trung Quốc nên rất khó từ mặt nghĩa của từ mà liên hệ đến nghĩa thực tế của quán ngữ, khi sử dụng thường sử dụng sai.

2. Không hiểu rõ ngữ nghĩa dẫn đến dùng sai

Trong quá trình sử dụng quán ngữ thường xuất hiện lỗi sai về mặt ngữ nghĩa, và lỗi sai này thường được quy vào lỗi không hiểu rõ ngữ nghĩa.

II- Những lỗi sai về mặt ngữ pháp

Phần lớn các học giả đều cho rằng, chức năng ngữ pháp của quán ngữ tương đương với chức năng ngữ pháp của từ. Nhưng trên thực tế, quán ngữ lại phức tạp hơn từ, xét về kết cấu, quán ngữ có các kết cấu động tân, chính phụ, liên vị, liên hợp, chủ vị, bổ sung... Sinh viên trong quá trình sử dụng quán ngữ thường nhầm lẫn đặc điểm, chức năng ngữ pháp của quán ngữ và từ với nhau, nên lỗi sai về mặt ngữ pháp cũng xuất hiện khá nhiều.

1. Dùng sai quán ngữ có kết cấu động tân

Rất nhiều quán ngữ, đặc biệt là quán ngữ có kết cấu động tân đều không thể mang tân ngữ, nhưng phần lớn sinh viên khi sử dụng lại dùng quán ngữ như một động từ, trực tiếp thêm tân ngữ vào sau quán ngữ, lỗi sai như vậy rất phổ biến.

2. Đặt sai thành phần câu

Quán ngữ kết cấu chính phụ có thể chia thành hai loại kết cấu định trung và kết cấu trạng trung.

3. Phối hợp sai căp từ

Tính cố định của quán ngữ yêu cầu đối tượng đi kèm phải cố định, không thể phối hợp tùy tiện. Nếu sinh viên không nắm vững đặc điểm phối hợp này của quán ngữ dễ dẫn đến sử dụng sai.

4. Nhầm lẫn tính linh hoạt của quán ngữ

Về kết cấu quán ngữ có tính cố định nhất định, nhưng ngoài tính cố định ra có một số quán ngữ còn có tính linh hoạt, có thể tách rời, cũng có thể thêm vào các thành phần khác.

5. Không hiểu từ loại của quán ngữ

Từ loại của quán ngữ chính là chỉ đặc trưng ngữ pháp của quán ngữ nhưng do nội dung biên soạn của giáo trình thường không nhắc đến từ loại của quán ngữ, từ đó dẫn đến việc sinh viên thường hiểu sai về từ loại của quán ngữ, và dùng sai quán ngữ.

III- Những lỗi sai về mặt ngữ dụng

Vì quán ngữ mang đậm sắc thái khẩu ngữ, điều đó khiến cho ngữ cảnh sử dụng của nó bị hạn chế, nên nếu như không thể nắm bắt được những trường hợp có thể sử dụng của quán ngữ hoặc là không thể hiểu được sắc thái tình cảm của nó thì khi sử dụng rất dễ mắc lỗi sai.

Hiểu sai cách dùng của quán ngữ

Thông thường trong các tình huống giao tiếp thì quán ngữ được sử dụng một cách không chính thống, nói cách khác nó thường được sử dụng trong khẩu ngữ hàng ngày, nhưng phần lớn sinh viên lại cho rằng quán ngữ sinh động, lại có đặc điểm có thể đem ra đùa giỡn, vì vậy sinh viên thường sử dụng quán ngữ trong những tình huống trang trọng, chính thức.

Hiểu sai về sắc thái tình cảm của quán ngữ

Quán ngữ chủ yếu phản ánh phong tục tập quán, quan niệm sống, lối sống, giá trị văn hóa của xã hội Trung Quốc. Do sự khác biệt về bối cảnh văn hóa nên rất nhiều sinh viên chỉ hiểu quán ngữ ở phương diện nghĩa của từ, rất ít sinh viên chú ý đến phương diện sắc thái tình cảm của quán ngữ, từ đó không thể sử dụng quán ngữ một cách chính xác được.

 

CHƯƠNG III    NGUYÊN NHÂN LỖI SAI TRONG VIỆC SỬ DỤNG QUÁN NGỮ TIẾNG TRUNG CỦA SINH VIÊN TRÌNH ĐỘ TRUNG CAO CẤP KHOA TIẾNG TRUNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC NGOẠI NGỮ - ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG

I- Những nguyên nhân xuất phát từ bản thân quán ngữ

1. Hiểu sai về mặt ngữ nghĩa

Quán ngữ chủ yếu sử dụng biện pháp tu từ ẩn dụ, hoán dụ, khoa trương nên có hai tầng nghĩa và có tính biến đổi, hàm nghĩa này không phải là sự kết hợp đơn thuần về mặt nghĩa của các thành phần kết hợp trong quán ngữ, mà “nghĩa bóng hay nghĩa rộng mang tính trừu tượng đôi khi sẽ là nghĩa thực tế của nó”, bản thân quán ngữ lại vừa có tính linh hoạt vừa có tính cố định. Những điều này khiến cho sinh viên khó có thể nắm bắt được nghĩa cũng như cách dùng của quán ngữ, sinh viên có thể biết nghĩa của từng từ trong quán ngữ, hiểu rõ nghĩa bóng của chúng, nhưng đối với cả một quán ngữ để có thể hiểu được nghĩa của nó không phải là việc dễ dàng.

2. Bản chất phức tạp hóa của quán ngữ tiếng Trung

2.1. Kết cấu vừa có tính linh hoạt, vừa có tính cố định

Như đã nói ở trên, bản thân quán ngữ tiếng Trung mang tính cố định. Về mặt kết cấu là không thể thay đổi, nghĩa của quán ngữ chính là nghĩa của cả một chỉnh thể. Điều đó có nghĩa kết cấu của quán ngữ là cố định, không thể thay đổi, khiến cho việc học quán ngữ của sinh viên càng khó khăn thêm. Nhưng tính cố định của quán ngữ chưa hẳn là không thể thay đổi, bên cạnh đó nó còn có tính linh hoạt nhất định. Tính linh hoạt của quán ngữ tiếng Trung biểu hiện ở chỗ có thể thêm vào các thành phần khác, đôi khi trật tự của các từ trong một quán ngữ có thể thay đổi, thậm chí sự thay đổi này lại không hề có một quy luật rõ ràng.

Trong giáo trình không có giải thích cụ thể, hoặc giáo viên cũng không giảng giải kỹ càng khiến cho sinh viên chỉ có thể nắm bắt được nghĩa của quán ngữ. Thậm chí tính cố định, tính linh hoạt của quán ngữ lại chưa hề được biết đến, khiến cho việc vận dụng quán ngữ của sinh viên thường xuất hiện lỗi sai.

2.2. Quán ngữ mang hai tầng nghĩa

Hai tầng nghĩa của quán ngữ chính là chỉ nghĩa về mặt chữ và nghĩa thực tế, nghĩa thực tế của quán ngữ không giống với nghĩa của các từ khác, có thể thông qua nghĩa về mặt chữ để giải thích, mà chính là những hàm ý chứa trong nó. Vì vậy khi sinh viên sử dụng quán ngữ nếu như không thực sự nắm bắt nghĩa của quán ngữ sẽ khó mà sử dụng chính xác được. Rõ ràng về mặt chữ thì nó có nghĩa như vậy, nhưng trên thực tế quán ngữ lại mang một hàm nghĩa khác, hơn nữa nghĩa về mặt chữ lại hoàn toàn khác biệt so với nghĩa thực tế, thậm chí có thể nói hai tầng nghĩa này hoàn toàn không liên quan đến nhau.

2.3. Nội hàm văn hóa của quán ngữ rất phong phú

Quán ngữ tiếng Trung đã ghi chép lại quan niệm xã hội, phong tục tập quán, thói quen sinh hoạt, lối sống, quan niệm đạo đức... của người dân Trung Quốc, quán ngữ còn mang đậm dấu ấn văn hóa độc đáo của dân tộc Trung Quốc. Văn hóa chính là sự phản chiếu của tâm lý, nền văn hóa của một dân tộc phải thông qua lịch sử hàng ngàn năm mới hình thành nên. Sinh viên nếu muốn nắm bắt và sử dụng đúng quán ngữ thì cần phải hiểu rõ về truyền thống văn hóa của Trung Quốc, lối sống, phong tục tập quán, quan niệm sống của người dân. 

II- Những nguyên nhân xuất phát từ nhân tố bên ngoài

1. Ảnh hưởng tiêu cực của tiếng mẹ đẻ

Ảnh hưởng tiêu cực của tiếng mẹ đẻ chủ yếu biểu hiện ở phương diện văn hóa, cũng chính là một nhân tố quan trọng trong những nguyên nhân dẫn đến lỗi sai của sinh viên trong việc học cũng như vận dụng quán ngữ trong giao tiếp.

Bởi vì quán ngữ hàm chứa trong nó là toàn bộ nền văn hóa truyền thống lâu đời, khiến cho sinh viên có hứng thú với tiếng Trung, nhưng phần lớn sinh viên lại không có kiến thức về bối cảnh văn hóa của Trung Quốc, khi học ngôn ngữ và văn hóa, sinh viên rất dễ dùng cách tư duy của bản thân để hiểu và vận dụng quán ngữ, như vậy sẽ dẫn đến hiện tượng ảnh hưởng tiêu cực của tiếng mẹ đẻ, ảnh hưởng đến việc hiểu đúng về quán ngữ của người học. Điều này có nghĩa là ảnh hưởng tiêu cực của tiếng mẹ đẻ rất quan trọng đối với việc học ngôn ngữ thứ hai. Bất luận là ngôn ngữ hay văn hóa đều phải đều sẽ chịu sự ảnh hưởng của tiếng mẹ đẻ, nếu không thực sự nắm vững thì rất dễ dùng tư duy tiếng mẹ đẻ để hiểu ngôn ngữ khác, đối với việc học quán ngữ cũng chịu ảnh hưởng tương tự của tiếng mẹ đẻ.

2. Kiến thức về ngôn ngữ đích mà người học đã nắm trước đó

Quán ngữ tiếng Trung chỉ được giảng dạy ở trình độ trung cấp trở lên, nên ở trình độ sơ cấp sinh viên hầu như chưa được tiếp xúc với quán ngữ. Khi được học quán ngữ, sinh viên sẽ gặp khó khăn trong việc nắm bắt và vận dụng, sinh viên sẽ sử dụng những kiến thức về từ để giải thích quán ngữ mà không hiểu rằng nghĩa của quán ngữ không nằm ở nghĩa của từ mà nó sử dụng biện pháp tu từ ẩn dụ, hoán dụ.

3. Thái độ và phương pháp học tập của người học

Để tiếp thu một kiến thức của ngôn ngữ đích, ngoài sự truyền thụ kiến thức của giáo viên thì thái độ và phương pháp học tập của người học cũng đóng một vai trò quan trọng không kém. Quán ngữ tiếng Trung cũng không ngoại lệ, nếu sinh viên không có thái độ học tập nghiêm túc và phương pháp học đúng đắn thì khó có thể vận dụng được chính xác quán ngữ tiếng Trung.

4. Khả năng và phương pháp truyền thụ của giáo viên

Sinh viên Việt Nam học quán ngữ tiếng Trung chủ yếu thông qua quá trình học trên lớp, vì vậy quá trình dạy học trên lớp là một trong những nhân tố quan trọng, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình tiếp thu quán ngữ của sinh viên. Nhưng trên thực tế, quá trình truyền thụ kiến thức về quán ngữ tiếng Trung lại không được giáo viên coi trọng.

Khi giáo viên giảng dạy về quán ngữ thường chỉ dựa vào những nội dung mà giáo trình biên soạn, không dạy đến những kiến thức về ý nghĩa tương cận và tương quan của quán ngữ, thậm chí đôi khi giáo viên sợ sinh viên không hiểu nên đã cố ý tránh sử dụng quán ngữ mà dùng những từ ngữ có ý nghĩa gần giống để thay thế. Giáo viên làm như vậy tuy có thể khiến sinh viên dễ hiểu bài nhưng lại không có lợi cho việc tích lũy những kiến thức về quán ngữ của sinh viên.

5. Giáo trình biên soạn không cụ thể, rõ ràng

Khi đọc một cuốn giáo trình dành cho sinh viên từ năm thứ nhất đến năm thứ tư có thể thấy rằng, quán ngữ không được chú trọng nhiều. Phải đến năm thứ ba sinh viên mới bắt đầu được tiếp cận một vài quán ngữ, nhưng lại thông qua bài khóa chứ không phải trong phần giải thích từ mới, nếu có thì chỉ giải thích sơ sài về ý nghĩa, không nhắc đến kết cấu ngữ pháp, từ loại, thậm chí là cả trường hợp vận dụng của quán ngữ

6. Môi trường ngôn ngữ

Môi trường ngôn ngữ trong việc học ngoại ngữ đóng một vai trò rất quan trọng, người học nếu có thể học trong môi trường xã hội của ngôn ngữ đích thì việc học sẽ rất có hiệu quả. Nhưng trên thực tế, thời gian học tiếng Trung của sinh viên người nước ngoài nói chung, cũng như sinh viên Việt Nam nói riêng, bao gồm cả sinh viên trình độ trung, cao cấp trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng là có hạn.

 

CHƯƠNG IV   KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Đối với giáo viên

1. Giảng ít luyện tập nhiều

Giáo viên trong quá trình giảng dạy trên lớp nên chú trọng truyền đạt những nội dung chính, dành thời gian luyện tập nhiều cho sinh viên, chỉ cần truyền đạt những kiến thức quan trọng nhất nhưng cũng phải là kiến thức khái quát nhất về quán ngữ.

Vì quán ngữ đa dạng, ngữ nghĩa phức tạp lại có nội hàm văn hóa phong phú, do đó, khi dạy học giáo viên nên sử dụng nhiều kiểu phương pháp giảng dạy. Mỗi phương pháp đều có ưu và nhược điểm riêng, giáo viên có thể dựa vào khả năng tiếp thu, trình độ kiến thức, nội dung bài học để vận dụng.
1.1. Phương pháp giảng giải kiến thức liên quan

1.2. Phương pháp giảng dạy trực quan

1.3. Phương pháp dự báo lỗi

1.4. Phương pháp đối chiếu so sánh với tiếng Việt

1.5. Phương pháp phân biệt sắc thái tình cảm của quán ngữ

2. Giải thích nghĩa mặt chữ, lồng ghép vào các câu chuyện dân gian

Khi giảng dạy quán ngữ, giáo viên không thể chỉ chú trọng nghĩa, kết cấu ngữ pháp, hoàn cảnh sử dụng của quán ngữ mà còn cần phải dẫn dắt đến những kiến thức về bối cảnh văn hóa liên quan, điều này sẽ khiến cho sinh viên có hứng thú hơn đối với việc học quán ngữ, đồng thời còn làm tươi mới không khí cứng nhắc của các tiết học.

3. Xây dựng ngữ cảnh tiến hành thực hành giao tiếp

Việc hiểu và vận dụng quán ngữ cần được đặt trong một ngữ cảnh cụ thể rõ ràng nhất định, trong tình cảnh cụ thể vận dụng thành thạo, hiểu biết kiến thức về văn hóa, mới có thể nắm bắt được một cách chính xác cách dùng của quán ngữ. Nhưng giáo viên trong quá trình lựa chọn và xây dựng ngữ cảnh cần tận dụng các ngữ cảnh có liên quan đến lối sống, môi trường học tập của sinh viên, bên cạnh đó cũng nên lựa chọn những ngữ cảnh mang hứng thú cho sinh viên, tránh cho sinh viên cảm thấy khô khan mà học thuộc lòng quán ngữ.

II- Đối với sinh viên

Sinh viên nếu muốn thực sự nắm bắt được ý nghĩa cũng như cách dùng của quán ngữ thì không những cần kiến thức giảng dạy từ giáo viên mà còn cần dựa vào phương pháp học của bản thân. Trong cuộc sống hàng ngày, tính tích cực trong việc tự học quán ngữ của sinh viên chưa cao, dẫn đến hiện tượng các sinh viên có trình độ hiểu biết về quán ngữ khác nhau.

Đối với việc biên soạn giáo trình

Việc biên soạn giáo trình nên chú trọng đến tính thực dụng và tính phức tạp của quán ngữ. Sinh viên chủ yếu ở trình độ trung cao cấp mới tiếp cận nhiều với quán ngữ, ở trình độ này sinh viên đã có hiểu biết cơ bản về quán ngữ, các bài khóa trong giáo trình nên sử dụng quán ngữ ở mật độ dày hơn.

       Bên cạnh đó, giáo trình cần chú trọng giảng dạy nghĩa và cách dùng của quán ngữ, chú ý bổ sung lượng bài tập liên quan. Bài tập không những giúp sinh viên củng cố, ôn tập lại phần kiến thức vừa học mà còn giúp giáo viên hiểu rõ mức độ tiếp thu của sinh viên về kiến thức vừa học, phát hiện được những kiến thức thiếu hụt để kịp thời bổ sung. Bài tập về quán ngữ không những yêu cầu về số lượng mà còn cần cả về hiệu quả. Bài tập chủ yếu sử dụng các hình thức như: chọn từ điền chỗ trống; trả lời câu hỏi; dùng quán ngữ đặt câu; vận dụng hội thoại...
Kết luận

Quán ngữ tiếng Trung là phần không thể thiếu trong cuộc sống giao tiếp thường ngày của người dân Trung Quốc, nó phản ánh quan điểm, tư duy sống của người dân. Nhưng vì nhiều nguyên nhân như ngữ nghĩa, hình thức phức tạp của quán ngữ, cũng như do ảnh hưởng của ngôn ngữ mẹ đẻ và các nhân tố trong quá trình dạy học đã dẫn đến việc sinh viên Việt Nam hay dùng sai quán ngữ. Để khắc phục tình trạng này, không những đòi hỏi giáo viên cần chú ý hơn về phương pháp cũng như nội dụng giảng dạy của mình, mà ngay cả bản thân sinh viên cũng cần linh hoạt, chủ động hơn trong quá trình tiếp thu quán ngữ. Bên cạnh đó, việc biên soạn giáo trình cũng cần có những bổ sung hợp lý, hiệu quả hơn về mặt giải thích cũng như phần bài tập.

- Điều tra, tổng hợp và phân tích các lỗi sai thường gặp của sinh viên trình độ trung cao cấp khoa tiếng Trung trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng trong quá trình sử dụng quán ngữ tiếng Trung.

- Thông qua kết quả điều tra tìm ra nguyên nhân dẫn đến các lỗi sai trong sử dụng quán ngữ tiếng Trung của sinh viên.
- Những kiến nghị trong quá trình dạy học, cũng như đối với việc biên soạn giáo trình.

© Đại học Đà Nẵng
 
 
Địa chỉ: 41 Lê Duẩn Thành phố Đà Nẵng
Điện thoại: (84) 0236 3822 041 ; Email: dhdn@ac.udn.vn