Thông tin chung

  English

  Đề tài NC khoa học
  Bài báo, báo cáo khoa học
  Hướng dẫn Sau đại học
  Sách và giáo trình
  Các học phần và môn giảng dạy
  Giải thưởng khoa học, Phát minh, sáng chế
  Khen thưởng
  Thông tin khác

  Tài liệu tham khảo

  Hiệu chỉnh

 
Số người truy cập: 107,040,592

 Nghiên cứu sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ phân chim cút tại khu vực Quảng Nam – Đà Nẵng
Chủ nhiệm:  Đoàn Thị Vân; Thành viên:  Võ Châu Tuấn, Lê Vũ Khánh Trang
Số: T 2017-TĐ-03-06 ; Năm hoàn thành: 2018; Đề tài cấp cơ sở; Lĩnh vực: Khoa học công nghệ

Hiện nay, tình hình lạm dụng phân hóa học cũng như các loại thuốc bảo vệ thực vật đã làm cho đất đai trồng trọt ngày càng trở nên bạc màu, thiếu dưỡng chất, hệ vi sinh vật tự nhiên có lợi gần như bị tiêu diệt hoàn toàn. Từ đó dẫn đến khả năng phân giải các chất độc và dư lượng hữu cơ trong đất gần như là không có. Điều này có tác hại nghiêm trọng đến sự phát triển của cây trồng. Cây không hấp thụ được dưỡng chất, sức đề kháng yếu do nhiễm độc tố, các loại bệnh dễ dàng hình thành. Chính vì vậy, năng suất cây trồng ngày càng giảm sút nghiêm trọng.

Phân hữu cơ vi sinh là giải pháp tốt nhất để cải tạo đất trồng. Theo TCVN 7185-2002, ngoài các thành phần như khoáng chất, đa – trung - vi lượng, trong phân hữu cơ vi sinh có một hàm lượng vi sinh vật có lợi cao, giúp tăng khả năng phân giải các độc tố, ức chế nấm bệnh, tăng sức đề kháng cho cây trồng, biến đất từ dạng chai cứng trở nên tơi xốp, tạo môi trường thuận lợi cho giun, trùn phát triển, tạo hệ vi sinh vật phong phú. Điều này sẽ làm cho cây phát triển tốt theo cách tự nhiên vốn có của nó.

Trong những năm gần đây, tại khu vực Đà Nẵng - Quảng Nam nói riêng, cũng như vùng miền Trung Tây Nguyên nói riêng rất phát triển nghệ nuôi chim cút. Lượng chất thải từ chim cút rất lớn. Khoảng 30-40% chất thải này được xử lý, còn lại được xả thải trực tiếp ra môi trường. Lượng chất thải này đa phần được xử lý bằng phương pháp làm hầm biogas, nhưng đa số hầm được xây dựng chưa đúng quy trình, nên đã gây ra những vấn đề về môi trường đáng báo động.

 Phân thải ra từ các trại chăn nuôi là dạng cơ chất rất giàu dinh dưỡng, hàm lượng đạm chiếm đến hơn 2%. Tuy nhiên, trong phân còn rất nhiều hợp chất hữu cơ phân hủy dở dang từ đường ruột của động vật, khi bón vào đất, trong môi trường kỵ khí, các hợp chất này tiếp tục phân hủy bởi các vi sinh vật kỵ sinh ra rất nhiều axit hữu cơ và khí độc. Điều này góp phần làm chua đất và gây ngộ độc hữu cơ cho cây trồng. Ngoài ra, trong phân có chứa nhiều vi sinh vật có hại, nên nếu không xử lý trước khi đưa vào sử dụng sẽ gây bệnh cho cây trồng.

 Chính vì vậy, sử dụng phân chim cút để sản xuất phân hữu cơ vi sinh, phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch, nhằm đảm bảo sức khoẻ cho con người và phát triển nông nghiệp một cách bền vững là điều hết sức cần thiết.

Việc phân lập, tìm ra các chủng vi sinh vật có khả năng thích nghi cao với điều kiện khí hậu, đặc điểm địa lý của miền Trung – Tây nguyên để sản xuất phân bón vi sinh, đưa vào ứng dụng ngay tại khu vực này sẽ phát huy tối đa vai trò của vi sinh vật trong việc phân giải các chất hữu cơ, cũng như kiểm soát sâu bệnh, góp phần tạo ra các loại nông sản sạch cung cấp cho con người.

Ngành nông nghiệp nước ta hiện nay đang hướng đến một nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, đầu tư phát triển theo hướng nông nghiệp sạch nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và thân thiện với môi trường đang là mục tiêu phấn đầu của ngành nông nghiệp nói chung và nông dân nói riêng. Một trong những biện pháp hữu hiệu để phát triển nông nghiệp bền vững là tận dụng phế thải chăn nuôi để sản xuất phân hữu cơ vi sinh nhằm thay thế các hóa chất bảo vệ thực vật và các loại phân hóa học góp phần bảo vệ môi trường, cải tạo đất đồng thời nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng và tăng khả năng cạnh tranh, hiệu quả kinh tế cho sản xuất nông nghiệp.


Sản phẩm: Chế phẩm sinh học BIOMS

© Đại học Đà Nẵng
 
 
Địa chỉ: 41 Lê Duẩn Thành phố Đà Nẵng
Điện thoại: (84) 0236 3822 041 ; Email: dhdn@ac.udn.vn