Thông tin chung

  English

  Đề tài NC khoa học
  Bài báo, báo cáo khoa học
  Hướng dẫn Sau đại học
  Sách và giáo trình
  Các học phần và môn giảng dạy
  Giải thưởng khoa học, Phát minh, sáng chế
  Khen thưởng
  Thông tin khác

  Tài liệu tham khảo

  Hiệu chỉnh

 
Số người truy cập: 106,728,062

 Khảo sát khả năng tiếp nhận chiến lược lịch sự của sinh viên tiếng Anh qua các dạng câu điều kiện theo hướng tiếp cận khối liệu diễn ngôn báo chí Anh.
Chủ nhiệm:  Trần Hữu Phúc; Thành viên:  Nguyễn Thị Bích Diệu, Nguyễn Thái Mỹ Iên
Số: DD2015-05-39 ; Năm hoàn thành: 2016; Đề tài cấp ĐHĐN; Lĩnh vực: Ngôn ngữ

Khái niệm tình thái (modality) có nguồn gốc từ các lĩnh vực nghiên cứu trong lôgic học truyền thống. Tuy nhiên tình thái trong lôgic học truyền thống chỉ giải quyết các vấn đề thuộc các phạm trù tình thái tất yếu, khách quan. Dần dần tình thái đã trở thành một phạm trù quan trọng được bàn thảo nhiều trong các nghiên cứu thuộc các lĩnh vực khoa học như triết học, tâm lý học, ngôn ngữ học... Phạm trù tình thái được tiếp cận đa chiều, tuy nhiên có thể khái quát các công trình nghiên cứu về tình thái trong ngôn ngữ về cơ bản có xu hướng tập trung ở các phương diện chủ yếu sau: (1) nghiên cứu về ngữ pháp (Givón, 1982, 1990; Bybee và cộng sự, 1994; Bybee và Fleischman, 1995); (2) nghiên cứu theo hướng ngữ nghĩa (Palmer, 1979/1990; Coates, 1983, 1995; Nuyts, 2001; Facchinetti và cộng sự, 2003; Frawley và cộng sự, 2006); (3) nghiên cứu bình phẩm và sắp xếp lại các phạm trù tình thái (Bybee, 1985; Bybee và cộng sự, 1994; Bybee và Fleischman, 1995).

Dựa trên cơ sở lý luận về tình thái và các công trình đi trước, nghiên cứu này kế thừa cách tiếp cận các phạm trù tình thái của Palmer (1986, 1990): tình thái nhận thức (epistemic modality), tình thái bổn phận/đạo nghĩa (deontic modality) và tình thái năng động (dynamic modality), để tìm hiểu chức năng dụng học của các dấu hiệu tình thái xuất hiện trong câu điều kiện if tiếng Anh.

Câu điều kiện trong tiếng Anh, xét về mặt cấu trúc, bao gồm hai thành tố chủ yếu, đó là mệnh đề điều kiện (protasis) và kết quả của điều kiện (apodosis). Mệnh đề điều kiện (P) và mệnh đề chính (A) trong câu liên kết qua 3 kiểu quan hệ: P phụ thuộc vào A; P và A phụ thuộc lẫn nhau; P và A tồn tại độc lập. Về mặt ngữ nghĩa, các quan hệ giữa 2 mệnh đề biểu thị nhiều thuộc tính ngữ nghĩa khác nhau như hiện thực hóa nội dung, suy luận hoặc không suy luận, kết luận trực tiếp hay gián tiếp. Về mặt dụng học, câu điều kiện được dùng với ngụ ý ngữ dụng cụ thể của nó, chẳng hạn như điều kiện diễn tả ý nghĩa của sự vọng ước thực chất hướng đến mục đích dụng học của một lời mời hay đề nghị.

Điểm chung nhất có thể tìm thấy được ở các hướng tiếp cận cấu trúc điều kiện if trong tiếng Anh đó là các nguyên tắc dựa trên các yếu tố cơ bản như: tính thực tại hay khả năng có thật, khả năng có thể xảy ra, tham chiếu thời gian và bản chất của sự gắn kết giữa P và A. Từ cơ sở tổng quan điều kiện, nghiên cứu đưa ra bảng tổng hợp phân loại điều kiện if và bình luận về sự trùng lặp và khác biệt giữa các mô hình để ứng dụng trong việc xem xét các cấu trúc điều kiện biểu hiện chiến lược lịch sự trong diễn ngôn.

Lịch sự (politeness) trong giao tiếp ngôn ngữ là một phạm trù mang đặc trưng văn hoá. Các dấu hiệu lịch sự trong ngôn từ thường được diễn đạt và tiếp nhận một cách khác nhau trong các ngôn ngữ và các nền văn hoá khác nhau. Vì vậy, có thể nhận định rằng nghiên cứu về lịch sự trong giao tiếp ngôn ngữ rất đa dạng và mang những đặc trưng văn hóa, ngôn ngữ riêng. Trên thực tế, khó có thể đưa ra một khái niệm có thể bao quát tất cả các chuẩn mực về hành vi lịch sự và càng khó hơn để đưa ra một định nghĩa đầy đủ và phù hợp với các quan niệm về lịch sự (xem Fraser, 1990). Hơn nữa, những gì được xem là hành vi lịch sự thì cũng chỉ ở phương diện giao tiếp xã hội thông thường. Một phương diện khác khá quan trọng đó là việc đánh giá cách sử dụng ngôn từ thể hiện lịch sự trong giao tiếp, được gọi là lịch sự trong giao tiếp ngôn ngữ (xem House và Kasper, 1981; Kasper, 1990; Márquez, 2000).

Có rất nhiều các công trình nghiên cứu liên quan đến các lĩnh vực thuộc đề tài về tình thái, điều kiện if, chiến lược lịch sự và phân tích diễn ngôn theo phương pháp khối liệu. Tuy nhiên, tất cả đều là những công trình nghiên cứu riêng biệt đối với từng lĩnh vực nêu trên. Hiện nay, chưa có công trình nghiên cứu chuyên sâu xem xét các dấu hiệu tình thái trên bình diện dụng học, cũng chưa có nghiên cứu về tình thái trong câu điều kiện if biểu hiện chiến lược lịch sự trong giao tiếp ngôn ngữ. Vì vậy, đề tài này gắn kết nghiên cứu tình thái và lịch sự thông qua việc tìm hiểu các cấu trúc điều kiện if biểu hiện chiến lược lịch sự trong diễn ngôn tiếng Anh.

Kết quả của nghiên cứu này nhằm mục đích: (1) giúp sinh viên học tiếng Anh nhận diện đúng các phương tiện biểu đạt tình thái trong câu điều kiện if thuộc diễn ngôn tiếng Anh bản ngữ; (2) giới thiệu đến sinh viên tiếng Anh cách dùng các cấu trúc điều kiện if biểu hiện chiến lược lịch sự trong giao tiếp; (3) đánh giá khả năng tiếp nhận của sinh viên qua việc sử dụng câu điều kiện if biểu hiện lịch sự. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu là nguồn cung cấp tư liệu ứng dụng định hướng cho sinh viên tiếng Anh nghiên cứu các phương tiện tình thái nói chung và các cấu trúc điều kiện if nói riêng biểu hiện lịch sự, cũng như giới thiệu đến sinh viên cách tiếp cận mới trong nghiên cứu diễn ngôn tiếng Anh bằng phương pháp khối liệu.

Đối tượng nghiên cứu của đề tài là các cấu trúc điều kiện if biểu hiện lịch sự trong diễn ngôn báo chí Anh. Đối tượng nghiên cứu này cũng có thể được mở rộng thông qua việc thu thập các bài báo cùng lĩnh vực, được phát hành bằng tiếng Anh ở nhiều nước khác nhau. Tuy nhiên, trong phạm vi giới hạn của đề tài nghiên cứu này, chúng tôi chỉ dừng lại ở việc thu thập và phân tích ngữ liệu từ các bài báo thuộc hai chuyên mục Business và Review thuộc tuần báo the Observer phát hành ở nước Anh trong 52 tuần của năm 2007. Đề tài được thực hiện với sự kết hợp của phương pháp luận về tình thái, điều kiện và lịch sự trong giao tiếp ngôn ngữ cùng với phương pháp phân tích khối liệu và bảng hỏi khảo sát thực tế tiếp nhận các cấu trúc điều kiện if biểu hiện lịch sự của sinh viên tiếng Anh tại trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng. Công cụ phân tích bao gồm phần mềm Wordsmith 5.0 và phần mềm thống kê SPSS.

- Bài báo:  Phân tích dấu hiệu ngôn ngữ biểu hiện chiến lược lịch sự trong phát biểu chính trị Anh Mỹ: Hướng tiếp cận khối liệu, số 8(105). 2016, Tạp chí Khoa học Công nghệ Đại học Đà Nẵng.

- Bài báo: Phân tích diễn ngôn tiếng Anh: Hướng tiếp cận khối liệu, số 11 (241) 2015, Tạp chí Ngôn ngữ và đời sống.

- Báo cáo tổng kết đề tài.

Sản phẩm ứng dụng tại Trường Đại học Ngoại ngữ Đại học Đà Nẵng

© Đại học Đà Nẵng
 
 
Địa chỉ: 41 Lê Duẩn Thành phố Đà Nẵng
Điện thoại: (84) 0236 3822 041 ; Email: dhdn@ac.udn.vn