Thông tin chung

  English

  Đề tài NC khoa học
  Bài báo, báo cáo khoa học
  Hướng dẫn Sau đại học
  Sách và giáo trình
  Các học phần và môn giảng dạy
  Giải thưởng khoa học, Phát minh, sáng chế
  Khen thưởng
  Thông tin khác

  Tài liệu tham khảo

  Hiệu chỉnh

 
Số người truy cập: 106,997,828

 Áp dụng mô hình phiên tòa giả định nhằm xây dựng kỹ năng tranh tụng cho sinh viên Khoa Quốc tế học
Chủ nhiệm:  ThS Trần Thị Ngọc Sương; Thành viên:  ThS Trần Thị Thu
Số: T2017-05-07 ; Năm hoàn thành: 2018; Đề tài cấp cơ sở; Lĩnh vực: Giáo dục



Tranh tụng là một giai đoạn quan trọng của quá trình tố tụng, trong đó Tòa án xác định sự thật của vụ án trên cơ sở điều tra công khai, đánh giá lập luận bằng văn bản do các bên tham gia tố tụng đệ trình và lắng nghe ý kiến của các bên để đưa ra quyết định phán xét, giải quyết vụ án một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ và đúng pháp luật [1, tr.12]. Do đó, việc xây dựng kỹ năng tranh tụng là một yêu cầu hết sức cần thiết của công tác đào tạo và giảng dạy các môn học về luật pháp.


Để xây dựng kỹ năng tranh tụng cho người học, các phương pháp giảng dạy hiện đại thường được ưu tiên áp dụng, trong đó phổ biến nhất là sử dụng phiên tòa giả định, nhằm mang lại môi trường học tập tích cực, hiệu quả cao với ba mục tiêu giáo dục: kiến thức chuyên môn (phân tích vụ việc), kỹ năng thực hành (chuẩn bị cho việc xét xử, trình bày các sự kiện và lập luận pháp lý, hỏi - đáp chứng cứ, kỹ năng đàm phán, biện hộ trước cơ quan xét xử) và đặc tính cảm xúc trong việc tư vấn hay tranh tụng [3, tr.18]. Mô hình phiên tòa giả định được xem là một dạng phát triển cao của phương pháp diễn án và phương pháp giảng dạy bằng vụ việc (Case study) và mang tính chất đặc thù của việc giảng dạy các học phần về luật pháp, trong đó, người học phải đặt mình vào vị trí một bên liên quan (bên nguyên đơn, bên bị đơn, bên cơ quan tư pháp) trong một vụ việc cho trước. Thông qua việc đóng vai những nhân vật có thật hoặc giả định để giải quyết các tình huống “có vấn đề”, người học sẽ được rèn luyện kỹ năng giao tiếp và cách ứng phó, xử lý các tình huống có thể gặp trong tương lai.


Trong các học phần chuyên ngành của ngành Quốc tế học và Đông phương học thuộc chương trình đào tạo của Khoa Quốc tế học - Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Đà Nẵng, số lượng các học phần về luật pháp chiếm một tỷ trọng đáng kể. Do đó, bên cạnh mục tiêu cung cấp kiến thức chuyên môn về luật pháp nói chung và luật pháp quốc tế nói riêng, các học phần này còn đặc biệt chú trọng đến việc hướng dẫn tư duy phản biện mang tính chủ động cho sinh viên đối với các vấn đề pháp lý quốc tế. Trong đó, việc xây dựng kỹ năng tranh tụng cho sinh viên luôn luôn là một mục tiêu được chú trọng thực hiện, bởi lẽ đây là một kỹ năng đặc thù bên cạnh những kỹ năng thông thường mà bất kỳ một học phần nào cũng cần phải có như: kỹ năng thu thập, xử lý và trình bày thông tin; kỹ năng làm việc nhóm; kỹ năng nghiên cứu; kỹ năng đàm phán;…


Xuất phát từ những lý do nêu trên, tác giả lựa chọn nghiên cứu việc áp dụng mô hình phiên tòa giả định trong hoạt động giảng dạy các học phần về luật pháp để xây dựng kỹ năng tranh tụng cho sinh viên Khoa Quốc tế học, với mục đích đa dạng hóa và tối ưu hóa các phương pháp giảng dạy, góp phần quan trọng vào việc đáp ứng chuẩn đầu ra về kỹ năng chuyên môn nghề nghiệp cho sinh viên ngành Quốc tế học và Đông phương học.    





1.1.         Sản phẩm khoa học


Bài báo:


“ĐỊNH HƯỚNG XÂY DỰNG KỸ NĂNG TRANH TỤNG TRƯỚC TÒA BẰNG MÔ HÌNH PHIÊN TÒA GIẢ ĐỊNH CHO SINH VIÊN KHOA QUỐC TẾ HỌC, TRƯỜNG ĐẠI HỌC NGOẠI NGỮ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG”


ThS. Trần Thị Ngọc Sương, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng


Kỷ yếu Hội thảo Khoa học quốc gia “Nghiên cứu và giảng dạy bản ngữ, ngoại ngữ và khu vực học trong thời kỳ hội nhập”, ISBN 978-604-84-2517-3, Trang 231-236 


Sản phẩm ứng dụng


Phương pháp giảng dạy các học phần Công pháp quốc tế, Luật biển quốc tế trong chương trình đào tạo ngành Quốc tế học và Đông phương học thuộc Khoa Quốc tế học, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng


Phương thức chuyển giao kết quả nghiên cứu và địa chỉ ứng dụng


Trình bày về mô hình phiên tòa giả định và kỹ năng tranh tụng tại Hội nghị Khoa học của Khoa Quốc tế học và của Bộ môn Quan hệ quốc tế.


Áp dụng các kết quả về lý thuyết và kết quả khảo sát để giảng dạy có hiệu quả hơn các học phần về luật pháp nói chung cho sinh viên Khoa Quốc tế học.
Giới thiệu và áp dụng mô hình phiên tòa giả định trong một số buổi sinh hoạt CLB Quan hệ quốc tế thuộc Khoa Quốc tế học nhằm đa dạng hóa các hình thức xây dựng kỹ năng tranh tụng cho sinh viên bên cạnh việc thực hiện phương pháp này tại lớp học.

© Đại học Đà Nẵng
 
 
Địa chỉ: 41 Lê Duẩn Thành phố Đà Nẵng
Điện thoại: (84) 0236 3822 041 ; Email: dhdn@ac.udn.vn