Thông tin chung

  English

  Đề tài NC khoa học
  Bài báo, báo cáo khoa học
  Hướng dẫn Sau đại học
  Sách và giáo trình
  Các học phần và môn giảng dạy
  Giải thưởng khoa học, Phát minh, sáng chế
  Khen thưởng
  Thông tin khác

  Tài liệu tham khảo

  Hiệu chỉnh

 
Số người truy cập: 107,071,105

 Nghiên cứu liên kết vùng trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài cho Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung
Chủ nhiệm:  TS. Nguyễn Hiệp; Thành viên:  GS.TS. Hiroshi Ohta, PGS.TS. Đào Hữu Hòa, TS. Đoàn Ngọc Phi Anh, PGS.TS. Lê Văn Huy, TS. Lương Văn Khôi, TS. Phan Văn Tâm, Th.S Phan Kim Tuấn, Th.S Đặng Thị Thạch
Số: B2013-04-13 ; Năm hoàn thành: 2016; Đề tài cấp Bộ; Lĩnh vực: Kinh tế

Nghiên cứu này đã tổng hợp và trình bày một cách khái quát các vấn đề lý luận cơ bản nhất có liên quan trực tiếp đến đầu tư trực tiếp nước ngoài và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong đó, nghiên cứu này chọn cách tiếp cận nghiên cứu hoạt động thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của một địa phương cấp tỉnh dưới góc nhìn của một hoạt động chức năng với 10 nội dung cơ bản. Cách tiếp cận này tạo điều kiện thuận lợi cho việc xác định nội dung hoạt động liên kết thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, qua đó dễ dàng phân biệt sự liên quan của các bên hữu quan cũng như dễ đánh giá lợi ích, chi phí, rủi ro, mức độ liên kết và các yếu tố ảnh hưởng. Trên nền tảng lý luận này, nghiên cứu cũng đã tập hợp và khái quát hóa được các vấn để lý luận có liên quan đến liên kết vùng và liên kết vùng trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Liên kết vùng được tiếp cận theo hướng là hành động chung của chính quyền địa phương. Liên kết vùng trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài được hiểu là hành động chung của chính quyền địa phương trong nỗ lực thu hút các nguồn vốn từ bên ngoài vào địa phương mình nhằm phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nghiên cứu này quan tâm đến hoạt động liên kết vùng trong thu hút FDI ở 8 nội dung, từ việc liên kết về mục tiêu đến liên kết triển khai hoạt động thu hút và liên kết trong giám sát cạnh tranh. Cơ sở lý luận này được xây dựng trên nển tảng lý luận liên kết vùng và lý luận hoạt động thu hút FDI của chính quyền, có tính đến yêu cầu việc đánh giá thực trạng phải toàn diện nhưng thuận tiện và việc đề xuất kiến nghị phải mang tính thực tiễn phù hợp. Nội dung đánh giá mức độ liên kết, nội dung hoạt động quản trị liên kết và các yếu tố môi trường ảnh hưởng đến quản trị liên kết được trình bày dựa trên nền tảng lý luận hiện đại về hợp tác giữa các địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là lý luận về hành động chung và lý luận hợp tác chính quyền đô thị phổ biến trong nghiên cứu lĩnh vực này trên thế giới hiện nay. Cơ sở lý luận này vì thế là khá vững chắc cho việc triển khai nghiên cứu. 

Trên nền tảng lý luận này, nghiên cứu đã tiến hành khảo cứu dữ liệu thứ cấp, tổ chức điều tra cán bộ chính quyền địa phương và điều tra doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đề thu thập dữ liệu sơ cấp và tiến hành phân tích, đánh giá với sự hỗ trợ của các công cụ thống kê và ý kiến tham khảo từ một số chuyên gia. Kết quả phân tích dữ liệu này đã giúp nghiên cứu nắm bắt và trình bày được các đặc trưng cơ bản của các địa phương Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, khái quát được thực trạng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các địa phương trong Vùng thời gian qua cũng như nỗ lực của các địa phương trong tổ chức hoạt động thu hút. Đặc biệt, nghiên cứu này đã đánh giá được một cách toàn diện và sâu sắc các đặc điểm của liên kết vùng trong thu hút FDI. Những phát hiện của nghiên cứu này cho phép kết luận rằng dù có những cải thiện trong kết quả thu hút từ các nỗ lực không ngừng của các địa phương, quy mô FDI của cả Vùng vẫn còn rất thấp so với các vùng kinh tế trọng điểm khác và chưa tương xứng với mong đợi. Đóng góp của kênh liên kết giữa các địa phương vào các nỗ lực ấy là có nhưng lợi ích mang lại cho hoạt động thu hút từ hoạt động liên kết thu hút còn thấp. Chưa có nhiều hoạt động liên kết, chỉ mới tập trung một vài nội dung ở hoạt động phối hợp cải thiện môi trường đầu tư và liên kết quảng bá, xúc tiến đầu tư. Mức độ liên kết giữa các địa phương trong thu hút FDI hiện vẫn còn ở mức thấp ở tất cả các khía cạnh nghiên cứu quan tâm. Mức độ liên kết ở khía cạnh quan tâm và cam kết của lãnh đạo địa phương đối với hoạt động liên kết là cao nhất trong khi ở khía cạnh chi tiêu tài chính được đánh giá thấp nhất. Nguyên nhân của những thực trạng này cũng được đánh giá ở nhiều khía cạnh, cụ thể là lợi ích, chi phí, rủi ro, môi trường quản trị liên kết và công tác quản trị liên kết. Đóng góp vào những thành công có thể là do những nỗ lực của một vài hoạt động quản trị và một số nhân tố thuận lợi của môi trường quản trị liên kết, đặc biệt ở môi trường địa lý -  kinh tế và môi trường văn hóa - xã hội. Việc chưa nhận thức rõ ràng về lợi ích, chi phí và rủi ro liên kết, tính chuyên nghiệp của quản trị liên kết chưa cao và các nhân tố môi trường thuận lợi chưa nhiều là các nguyên nhân giải thích tình trạng liên kết còn thấp hiện nay.  

Nghiên cứu cũng đã khảo sát mục tiêu, môi trường thu hút, đánh giá nhu cầu liên kết và đề xuất mục tiêu liên kết vùng trong thu hút hút FDI cho Vùng KTTĐMT. Nghiên cứu có kết luận rằng việc đẩy mạnh liên kết vùng trong thu hút FDI của Vùng KTTĐMT là cấp thiết, xét ở tất cả các khía cạnh nội dung và mức độ, trong đó ưu tiên nội dung liên kết trong cải thiện môi trường đầu tư, liên kết trong công tác quảng bá, xúc tiến và trong phối hợp định hướng ngành và các dự án đầu tư cần thu hút. Dự báo của nghiên cứu nhận định rằng sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi hơn trong triển khai hoạt động quản trị liên kết thu hút, trong đó môi trường chính trị - hành chính và môi trường địa lý – kinh tế được dự báo có những thay đổi lớn hơn. Nghiên cứu cũng đã tổ chức nhận diện năng lực tổ chức liên kết Vùng, phân tích các loại hình cơ chế quản trị liên kết Vùng để đưa ra các đề xuất hoàn thiện cơ chế quản trị liên kết xét ở khía cạnh cấu trúc tổ chức liên kết. Dạng cơ chế mạng lưới có tổ chức với sự hiện diện của Tổ chức điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm mà trung tâm là Hội đồng Vùng KTTĐMT được tổ chức bởi chính quyền trung ương được nghiên cứu này cho rằng là phù hợp, đồng thời tích hợp các nội dung của các cơ chế khác cho phù hợp với tình hình thực tế, cụ thể là cơ chế quan hệ đối tác có chọn lọc, cơ chế quan hệ mạng lưới phi chính thức ở cấp thấp trong bộ máy thu hút, cơ chế hội đồng hợp tác trong một số các hoạt động và cơ chế thỏa thuận có tính ràng buộc được áp dụng ở một số nội dung có tính nguyên tắc trong liên kết. Trên cơ sở đó, nội dung hoàn thiện quản trị liên kết ở các khía cạnh quản lý và lãnh đạo liên kết cũng được đề xuất. Cụ thể, nghiên cứu này cho rằng, với cấu trúc tổ chức liên kết trên, cùng với vai trò đầu tàu của cơ quan chức năng kế hoạch - đầu tư trong hoạt động liên kết vùng nói chung, nhiều khó khăn, hạn chế của công tác quản lý liên kết sẽ dễ dàng được tháo gỡ nếu có những triển khai phù hợp theo những đề xuất của nghiên cứu này. Nghiên cứu này cũng để xuất rằng, ngoài vai trò tiên phong của các tổ chức và các nhân thuộc hệ thống chính quyền, nên tạo điều kiện hơn nữa cho lực lượng bên ngoài khu vực công tham gia công tác dẫn dắt liên kết trong một số khía cạnh nhất định.
Về hoàn thiện nội dung liên kết, nghiên cứu này đã đề xuất nhiều ý tưởng hoàn thiện ở cả 8 khía cạnh nội dung. Các nội dung hoàn thiện bám sát những điểm hạn chế trong từng nội dung liên kết đặt trong bối cảnh tình hình mới hiện nay và các ý kiến trực tiếp của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Các nội dung hoàn thiện nhấn mạnh đến sự cần thiết các địa phương phải chủ động hơn trong việc chi tiết hóa các công việc trong từng nội dung để có giải pháp phù hợp. Nội dung liên kết trong quảng bá, xúc tiến và liên kết trong cải thiện môi trường đầu tư được đề xuất tiếp tục là nội dung ưu tiên nhưng phải trên cơ sở các nội dung còn lại cũng phải được hoàn thiện tốt. Nghiên cứu này cũng đề xuất các ý tưởng nhằm xúc tiến cải thiện môi trường liên kết. Mặc dù xu thế biến động của các yếu tố môi trường là khó kiểm soát hoàn toàn bởi chính quyền địa phương cấp tỉnh riêng biệt, liên kết với tư cách một vùng thống nhất có thể có những nỗ lực xúc tiến chung hữu hiệu hướng đến mục tiêu cải thiện các yếu tố môi trường sao cho thuận lợi nhất cho liên kết giữa các địa phương. Việc thực hiện chung này đương nhiên cũng sẽ gặp khó khăn do có sự khác biệt trong việc đánh giá thực trạng và mức độ ảnh hưởng của các yếu tố môi trường này không những giữa các cấp trong bộ máy hành chính, các chức năng trong bộ máy thu hút mà còn giữa các địa phương, tuy nhiên lợi ích này là lớn so với những chi phí để vượt qua các rào cản trên. Để các nội dung đề xuất có điều kiện được thực hiện tốt, nghiên cứu cho rằng cần phải tăng cường hơn nữa nhận thức, tuyên truyền và giải quyết các vấn đề có liên quan đến lợi ích, chi phí và rủi ro trong liên kết thu hút FDI, bởi các thông tin đều rất quan trọng cho bất cứ quyết định liên kết nào. Điểm cần quan tâm là chính từng địa phương nên chủ động triển khai cụ thể các nội dung này mới đảm bảo tính xác thực và hợp lý. Ở cấp độ Vùng nên có cơ chế chia sẻ các thông tin này nhằm đảm bảo “trò chơi liên kết” hạn chế được tính bất đối xứng thông tin và dễ dàng thiết kế được mục tiêu và các bước đi phù hợp.

Đề tài này là một công trình toàn diện, đầu tiên tại Việt Nam nghiên cứu liên kết giữa chính quyền các địa phương trong một hoạt động chức năng cụ thể là thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Các lý luận đương đại trong liên kết vùng đã qua nhiều kiểm chứng thực tế là lý luận hành động chung (collective action) và lý luận hợp tác chính quyền đô thị (intermunicipal cooperation) được sử dụng làm cơ sở nghiên cứu giúp cho đề tài có độ tin cậy cao hơn về mặt lý luận và vì thế về mặt thực tiễn. Đề tài cũng là công trình đầu tiên phân tích thực trạng dựa trên đánh giá trực tiếp của những người tham gia vào quá trình thu hút FDI của các địa phương trong Vùng thông qua điều tra khảo sát với quy mô mẫu có diện bao phủ tổng thể lớn. Bên cạnh đó, thế mạnh của nghiên cứu còn thể hiện ở chỗ các nhận định, đánh giá và đề xuất của nghiên cứu được hỗ trợ từ chính cơ sở từ dữ liệu điều tra doanh nghiệp đã và đang có quan tâm đầu tư tại Việt Nam mà đặc biệt là vào Vùng KTTĐMT. Các đề xuất của đề tài đều có cơ sở phân tích và dự báo cụ thể, đảm bảo sát với tình hình thực tế của địa phương. 
© Đại học Đà Nẵng
 
 
Địa chỉ: 41 Lê Duẩn Thành phố Đà Nẵng
Điện thoại: (84) 0236 3822 041 ; Email: dhdn@ac.udn.vn