Thông tin chung

  English

  Đề tài NC khoa học
  Bài báo, báo cáo khoa học
  Hướng dẫn Sau đại học
  Sách và giáo trình
  Các học phần và môn giảng dạy
  Giải thưởng khoa học, Phát minh, sáng chế
  Khen thưởng
  Thông tin khác

  Tài liệu tham khảo

  Hiệu chỉnh

 
Số người truy cập: 106,043,194

 Nghiên cứu ứng dụng cọc đất xi măng bán cứng chịu lực cho móng nhà cao tầng trên địa bàn Đà Nẵng (Study on application of semi-hardened soil cement piles bearing load for high buildings in Danang city)
Chủ nhiệm:  Đỗ Hữu Đạo; Thành viên:  
Số: T2017-02-103 ; Năm hoàn thành: 2018; Đề tài cấp cơ sở; Lĩnh vực: Kỹ thuật

 Cọc đất xi măng được nghiên cứu ứng dụng từ những năm 1970 ở Thụy Điển và Nhật Bản, tại Việt Nam bắt đầu ứng dụng từ những năm 1980. Các nghiên cứu và ứng dụng chủ yếu trong lĩnh vực xử lý nền đất bùn, sét yếu như nền đường ô tô, nền đường sắt, khối đắp. Một số dự án tiêu biểu ở nước ta như nền đường băng sân bay Cần Thơ, nhà máy điện Nhơn Trạch 1, cảng Cái Mép Thị Vải – Vũng Tàu, đường băng sân bay Cát Bi Hải phòng, xử lý nền đường đầu cầu Ông Buông 1 – thành phố Hồ Chí Minh, nền đường đầu cầu Trần Thị Lý – thành phố Đà Nẵng .v.v.




     Tại thành phố Đà Nẵng, với địa chất có nền đất cát phân bố ở độ sâu từ 8m đến 15m, cường độ vật liệu cọc đất xi măng đạt cao hơn nhiều lần so với gia cố trong nền đất sét, từ 4-10MPa, do vậy độ cứng của cọc tăng lên và cọc được xem như bán cứng. Một số công trình ứng dụng cọc để chịu lực thay vì nhiệm vụ gia cố nền thông thường, tiêu biểu như: Chung cư Đại Địa Bảo (9 tầng), Chung cư An Trung 2 (12 tầng), tòa nhà Vĩnh Trung Plaza (15 tầng), khách sạn Sanouva (17 tầng).




     Với việc ứng dụng cọc đất xi măng bán cứng chịu lực cho móng nhà cao tầng là hướng ứng dụng mới, phù hợp với địa chất địa phương và vật liệu tại chỗ, giảm giá thành xây dựng nền móng công trình so với các giải pháp nền móng khác như cọc ép, cọc ly tâm và cọc khoan nhồi.




    Hiện nay việc tính toán cọc đất xi măng theo hai quan điểm: 1- xem móng cọc và nền là khối tương đương, quan điểm này phù hợp với cọc đất xi măng trong nền đất yếu. 2 – xem cọc làm việc như cọc cứng, ở đây cường độ vật liệu cọc chưa đạt cao đến như của bê tông nên yếu tố độ cứng của cọc sẽ ảnh hưởng đến sức chịu tải của cọc về huy động sức kháng thành bên và kháng mũi. Do vậy khi cọc đất xi măng ứng dụng chịu lực cho móng công trình sẽ khác so với cọc xử lý nền cũng như cọc bê tông thông thường. Cơ chế huy động sức kháng thành bên, sức kháng mũi của cọc đơn, sức chịu tải của cọc trong nhóm và sức chịu tải của nhóm cọc sẽ cần được nghiên cứu để có cơ sở khoa học đưa vào ứng dụng.
     Đề tài đặt vấn đề nghiên cứu sự làm việc của cọc đất xi măng bằng mô hình thí nghiệm kích thước thực (Full scale model) có sử dụng thiết bị đo biến dạng dọc trục cọc để nghiên cứu cơ chế truyền tải trong cọc đơn và cọc trong nhóm cọc. Đồng thời đề tài cũng sử dụng mô hình số (Plaxis 3D Foundation) để phát triển cho nhiều nhóm cọc khác nhau để xây dựng công thức tính hệ số nhóm sử dụng trong tính toán nhóm cọc đất xi măng. Kết quả nghiên cứu sẽ làm sáng tỏ cơ chế làm việc, huy động ma sát thành bên, sức kháng mũi của cọc đơn và nhóm cọc đất xi măng. Là cơ sở khoa học quan trọng trong ứng dụng cọc đất xi măng bán cứng chịu lực cho móng nhà cao tầng tại thành phố Đà nẵng và các vùng khác có đặc địa chất tương tự.



© Đại học Đà Nẵng
 
 
Địa chỉ: 41 Lê Duẩn Thành phố Đà Nẵng
Điện thoại: (84) 0236 3822 041 ; Email: dhdn@ac.udn.vn